Thứ Sáu, Tháng Tư 26
Shadow

Báo cáo tài chính là gì? Những điều cần biết về Báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính là gì là nội dung không chỉ kế toán, mà các nhà phân tích tài chính và quản lý đều cần biết. Bài viết này, phân tích báo cáo tài chính sẽ hướng dẫn bạn cách hiểu đúng đắn về báo cáo tài chính doanh nghiệp.

1. Báo cáo tài chính doanh nghiệp là gì?

Theo điều 97 thông tư 200/2014/TT-BTC thì Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một DN, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ DN, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một DN về:

  • Tài sản;
  • Nợ phải trả
  • Vốn chủ sở hữu
  • Doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác;
  • Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh;
  • Các luồng tiền.

Ngoài các thông tin này, DN còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các Báo cáo tài chính tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày Báo cáo tài chính.

Theo CEO Lê Ánh, Báo cáo tài chính là báo cáo thể hiện sức khỏe tài chính của Doanh nghiệp.

Những điều cần biết về báo cáo tài chính

2. Hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp

Hệ thống báo cáo tài chính DN theo quy định hiện hành bao gồm:

  • Bảng cân đối kế toán;
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
  • Bản thuyết minh báo cáo tài chính.

Ngoài báo cáo tài chính, DN có thể lập báo cáo quản lý, trong đó mô tả và diễn giải những đặc điểm chính về tình hình kinh doanh, hoạt động tài chính, cũng như những sự kiện không chắc chắn chủ yếu mà DN phải đối phó nếu các nhà quản lý DN xét thấy các báo cáo đó góp phần làm minh bạch hoạt động tài chính của đơn vị và chúng hữu ích cho những người sử dụng thông tin trong quá trình quyết định kinh tế.

  • Hệ thống báo cáo tài chính được lập ra nhằm mục đích:
  • Cung cấp những thông tin tổng quát về tình hình tài sản, nguồn hình thành tài sản và kết quả kinh doanh của DN.
  • Cung cấp những thông tin cho việc đánh giá tình hình tài chính và biến động về tình hình tài chính của DN.
  • Cung cấp thông tin về việc tạo ra tiền và sử dụng tiền trong kỳ như thế nào tại DN.
  • Cung cấp những thông tin liên quan đến việc tuân thủ các nguyên tắc, các chuẩn mực kế toán và diễn giải những nội dung mà các báo cáo kết quả kinh doanh, bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ không thể hiện một cách rõ ràng và dễ hiểu.

3. Phân loại Báo cáo tài chính DN

  • Báo cáo tài chính năm gồm:
– Bảng cân đối kế toán Mẫu số B 01 – DN
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B 02 – DN
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ Mẫu số B 03 – DN
– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính Mẫu số B 09 – DN
  • Báo cáo tài chính giữa niên độ:

 Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ, gồm:

– Bảng cân đối kế toán giữa niên độ Mẫu số B 01a – DN
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ Mẫu số B 02a – DN
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ Mẫu số B 03a – DN
– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc Mẫu số B 09a – DN

Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng tóm lược, gồm:

– Bảng cân đối kế toán giữa niên độ Mẫu số B 01b – DN
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ Mẫu số B 02b – DN
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ Mẫu số B 03b – DN
– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc Mẫu số B 09a – DN
  • Báo cáo tài chính hợp nhất

Công ty mẹ và tập đoàn là đơn vị có trách nhiệm lập báo cáo tài chính hợp nhất để tổng hợp và trình bày một cách tổng quát, toàn diện tình hình tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu ở thời điểm lập báo cáo tài chính; tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ của đơn vị.

Hệ thống báo cáo tài chính hợp nhất gồm 4 biểu mẫu báo cáo: 

– Bảng cân đối kế toán hợp nhất Mẫu số B 01 – DN/HN
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất Mẫu số B 02 – DN/HN
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất Mẫu số B 03 – DN/HN
– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất Mẫu số B 09 – DN/HN

Nội dung, phương pháp tính toán, hình thức trình bày, thời hạn lập, nộp và công khai Báo cáo tài chính hợp nhất thực hiện theo quy định tại Thông tư hướng dẫn Chuẩn mực kế toán số 21 “Trình bày Báo cáo tài chính” và Chuẩn mực kế toán số 25 “Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con” và Thông tư hướng dẫn chuẩn mực kế toán số 11 “Hợp nhất kinh doanh”.

  • Báo cáo tài chính tổng hợp

Các đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc hoặc Tập đoàn nhà nước thành lập và hoạt động theo mô hình không có công ty con, phải lập Báo cáo tài chính tổng hợp, để tổng hợp và trình bày một cách tổng quát, toàn diện tình hình tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu ở thời điểm lập báo cáo tài chính, tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo của toàn đơn vị.

Hệ thống báo cáo tài chính tổng hợp gồm 4 biểu mẫu báo cáo: 

– Bảng cân đối kế toán tổng hợp  Mẫu số B 01 – DN
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tổng hợp Mẫu số B 02 – DN
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ tổng hợp Mẫu số B 03 – DN
– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính tổng hợp Mẫu số B 09 – DN

Đối với công ty mẹ và tập đoàn vừa phải lập báo cáo tài chính tổng hợp, vừa phải lập báo cáo tài chính hợp nhất thì phải lập báo cáo tài chính tổng hợp trước (Tổng hợp theo loại hình hoạt động: Sản xuất, kinh doanh; đầu tư xây dựng cơ bản hoặc sự nghiệp) sau đó mới lập báo cáo tài chính tổng hợp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất giữa các loại hình hoạt động.

Trong khi lập báo cáo tài chính tổng hợp giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh đã có thể phải thực hiện các quy định về hợp nhất báo cáo tài chính. Các đơn vị vừa phải lập báo cáo tài chính tổng hợp vừa phải lập báo cáo tài chính hợp nhất thì phải tuân thủ cả các quy định về lập báo cáo tài chính tổng hợp và các quy định về lập báo cáo tài chính hợp nhất.

4. Trách nhiệm lập và trình bày báo cáo tài chính DN

– Báo cáo tài chính năm: Tất cả các DN thuộc các ngành, các thành phần kinh tế đều phải lập và trình bày.

Các công ty, Tổng công ty có các đơn vị kế toán trực thuộc, ngoài việc phải lập báo cáo tài chính năm của công ty, Tổng công ty còn phải lập báo cáo tài chính tổng hợp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất vào cuối kỳ kế toán năm dựa trên báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán trực thuộc công ty, Tổng công ty.

– Báo cáo tài chính giữa niên độ: Bắt buộc phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ đối với DN nhà nước, các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Các DN khác nếu tự nguyện lập báo cáo tài chính giữa niên độ thì được lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược.

Tổng công ty Nhà nước và DN nhà nước có các đơn vị kế toán trực thuộc còn phải lập báo cáo tài chính tổng hợp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ.

– Báo cáo tài chính hợp nhất cuối kỳ và báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ: Bắt buộc với công ty mẹ và tập đoàn, ngoài ra còn phải lập báo cáo tài chính hợp nhất sau khi hợp nhất kinh doanh.

– Yêu cầu lập và trình bày báo cáo tài chính: báo cáo tài chính phải trình bày một cách trung thực và hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh và các luồng tiền của DN. Để đảm bảo yêu cầu trung thực và hợp lý, các báo cáo tài chính phải được lập và trình bày trên cơ sở tuân thủ các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các quy định có liên quan hiện hành.

DN cần nêu rõ trong phần thuyết minh báo cáo tài chính đã được lập và trình bày phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam. Báo cáo tài chính được coi là lập và trình bày phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam nếu báo cáo tài chính tuân thủ mọi quy định của từng chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán Việt Nam của Bộ Tài chính.

Trường hợp DN sử dụng chính sách kế toán khác với quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam, không được coi là tuân thủ chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành dù đã thuyết minh đầy đủ trong chính sách kế toán cũng như trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.

Để lập và trình bày báo cáo tài chính trung thực và hợp lý, DN phải lựa chọn và áp dụng các chính sách kế toán cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính phù hợp với quy định của từng chuẩn mực kế toán. Chính sách kế toán bao gồm những nguyên tắc, cơ sở và các phương pháp kế toán cụ thể được DN áp dụng trong quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính đảm bảo báo cáo tài chính cung cấp được các thông tin đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Thích hợp với nhu cầu ra quyết định kinh tế của người sử dụng
  • Đáng tin cậy, khi:

+ Trình bày trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của DN;

+ Phản ánh đúng bản chất kinh tế của các giao dịch và sự kiện không chỉ đơn thuẩn phản ánh hình thức hợp pháp của chúng;

+ Trình bày khách quan, không thiên vị;

+ Tuân thủ nguyên tắc thận trọng;

+ Trình bày đầy đủ trên mọi khía cạnh trọng yếu.

  • Có thể hiểu được.
  • Có thể so sánh được.

Bài viết xem thêm:

  • Nguyên tắc lập báo cáo tài chính doanh nghiệp
  • Nội dung báo cáo tài chính doanh nghiệp
5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *