Thứ Bảy, Tháng Tư 20
Shadow

Các Chỉ Số Tài Chính Quan Trọng Và Ý Nghĩa

cac-chi-so-tai-chinh-quan-trong

Tìm hiểu và nắm rõ các chỉ số tài chính sẽ giúp quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận định chính xác tình hình kinh doanh của một doanh nghiệp. Từ đó sẽ đưa ra các quyết định đầu tư đem lại hiệu quả tối ưu nhất. Bài viết sau Phân tích báo cáo tài chính chia sẻ đến bạn đọc các chỉ số tài chính quan trọng và ý nghĩa.

I. Chỉ số tài chính là gì?

Các chỉ số tài chính doanh nghiệp là những con số được tính toán bằng tỉ lệ của một số liệu tài chính/kinh doanh này so với một số liệu khác, ví dụ như tổng lợi nhuận chia cho tổng số lượng nhân sự. Chỉ số này cho chúng ta thấy được rõ nhất tình hình tài chính của một doanh nghiệp.

Chỉ số tài chính thường được dùng để so sánh, cho phép chủ doanh nghiệp kiểm tra đánh giá và đo lường mối quan hệ giữa các yếu tố tài chính, phản ánh chi tiết về những vấn đề tốt và xấu trong doanh nghiệp để đưa ra những quyết định trong quản lý kinh doanh.

Những chỉ số này tương đối dễ tính toán và sử dụng nhưng không thể thay thế hoàn toàn được kinh nghiệm trong kinh doanh. Tuy nhiên, việc có khả năng đọc hiểu và theo dõi các chỉ số tài chính sẽ giúp nhà quản lý vận hành doanh nghiệp tốt hơn cũng như giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định hiệu quả hơn trong mua bán cổ phiếu của doanh nghiệp đó.

Các chỉ số tài chính quan trọng thường được dùng để so sánh giữa các giai đoạn khác nhau, từ đó theo dõi và đánh giá mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp.

II. Tầm quan trọng của các chỉ số tài chính

Việc phân tích các chỉ số tài chính đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phân tích cơ bản. Thông qua các chỉ số tài chính và ý nghĩa của chúng, chủ doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư có thể đánh giá chính xác thực trạng hoạt động của doanh nghiệp để dự báo tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Các chỉ số quan trọng trong báo cáo tài chính cũng cho phép thực hiện việc so sánh với báo cáo tài chính khác ngành để nhận định khả năng thanh toán nợ vay và chi trả cổ tức.

III. Các chỉ số tài chính quan trọng

1. Các chỉ số tài chính cơ bản

1.1. Chỉ số khả năng thanh toán

Dựa vào tỷ số khả năng thanh toán chúng ta có thể đánh giá được khả năng đáp ứng các nghĩa vụ dài hạn của doanh nghiệp. Khi đi sâu vào phân tích tỷ số khả năng thanh toán sẽ cho nhà quản lý cái nhìn sâu sắc về mức độ đòn bẩy tài chính mà công ty đang sử dụng hiện hành.

Với một số tỷ lệ khả năng thanh toán còn giúp các nhà đầu tư nhìn ra được công ty có đủ tiềm lực tài chính trả lãi liên tục hay chi trả cho các khoản phí cố định khác không. Nếu không đủ dòng tiền, khả năng cao sẽ dẫn tới vỡ nợ.

1.2. Chỉ số hoạt động

Tỷ lệ này được dùng để đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản một công ty. Với chỉ số loại này, nhà quản lý có thể phân ra thành“lợi nhuận hoạt động” và “hiệu quả hoạt động”.

Chỉ số về lợi nhuận hoạt động sẽ cung cấp thông tin về tổng thể khả năng sinh lời của một công ty. Còn chỉ số liên quan tới hiệu quả hoạt động sẽ giúp ban lãnh đạo giám sát được hiệu quả của việc sử dụng tài sản trong doanh nghiệp.

Nhìn chung tỷ lệ hoạt động sẽ chỉ ra được tốc độ chuyển đổi tài sản hoặc các khoản nợ hiện hành của một doanh nghiệp.

1.3. Chỉ số vòng quay hàng tồn kho

Vòng quay hàng tồn kho = giá vốn hàng bán / bình quân hàng tồn kho

Chỉ số này thường được so sánh qua nhiều năm. Nếu chỉ số này lớn sẽ cho thấy rằng tốc độ quay vòng của hàng hóa trong kho diễn ra tương đối nhanh. Ngược lại nếu chỉ số này thấp nghĩa là tốc độ quay vòng của hàng tồn đang ở mức thấp. Trong nhiều trường hợp, tuỳ thuộc tính chất của từng ngành nghề kinh doanh mà xác định mức độ tốt xấu của chỉ số này. Không phải cứ mức tồn kho cao là xấu mà mức tồn kho thấp là tốt.

Thông thường nếu chỉ số vòng quay hàng tồn kho cao thì chứng tỏ rằng hoạt động bán hàng trong doanh nghiệp đang ngày càng hiệu quả, hàng không bị ứ đọng lại nhiều. Chỉ số hàng tồn kho dần giảm qua các năm thì chứng tỏ doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với ít rủi ro hơn.

1.4. Chỉ số vòng quay khoản phải thu

Chỉ số vòng quay khoản phải thu = doanh thu thuần / khoản phải thu trung bình

Chỉ số này là thước đo trung bình mức độ nhanh chóng, tính hiệu quả trong việc xử lý các hóa đơn chưa thanh toán còn nợ lại. Nếu chỉ số này càng cao thì chứng tỏ mức độ trả nợ của khách hàng đang diễn ra nhanh chóng.

Nếu so sánh với các doanh nghiệp khác mà chỉ số này đang quá cao chứng minh rằng chính sách tín dụng của công ty hiện nay đang quá nghiêm ngặt, dễ bỏ lỡ cơ hội bán hàng. Hệ quả của vấn đề này đó chính là doanh nghiệp sẽ bị mất khách hàng cho các công ty đối thủ với những bên có thời gian tín dụng dài hơn. Qua các năm, nếu chỉ số này quá thấp thì chứng tỏ rằng việc thu hồi nợ của doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

1.5. Chỉ số thanh khoản

Chỉ số thanh khoản hay tính thanh khoản là những khái niệm phổ biến trong quản lý tài chính. Có thể nói đây là một chỉ số được sử dụng rộng rãi nhất sau tỷ lệ lợi nhuận.

Chỉ số thanh khoản sẽ đo lường được khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn của công ty. Đây là kết quả từ việc chia tiền mặt và các loại tài sản lưu động cho các khoản vay ngắn hạn hay khoản nợ hiện tại. Nếu giá trị chỉ số thanh khoản lớn hơn 1 thì điều này mang ý nghĩa là các nghĩa vụ ngắn hạn của công ty đã luôn được thanh toán đầy đủ.

Với những ngành kinh doanh khác nhau thì chỉ số thanh khoản cũng khác nhau. Những cửa hàng tạp hoá sẽ cần phải có nhiều tiền mặt để duy trì nguồn hàng liên tục hơn so với các công ty kinh doanh phần mềm. Chỉ số thanh khoản không cố định và xu hướng thay đổi theo thời gian.

1.6. Tỷ lệ nợ trên vốn

Tỷ số nợ trên vốn chủ sở hữu =Tổng nợ/ Giá trị vốn chủ sở hữu

Tài sản = Nợ phải trả + Nguồn vốn chủ sở hữu

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu sẽ phản ánh mức độ rủi ro trong việc thiết lập và vận hành vốn của công ty. Dựa trên tỷ lệ này ban lãnh đạo có thể nhìn ra số nợ mà công ty đang gánh để có thể điều hành kinh doanh. Đó có thể là các khoản nợ ngắn hạn, dài hạn hoặc là các khoản vay thế chấp.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu sẽ giúp các nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về tiềm lực tài chính của công ty. Nếu tỷ lệ này lớn hơn 1 nghĩa là tải sản của công ty được hình thành từ những khoản nợ. Ngược lại, tỷ lệ này bé hơn 1 thì tài sản của công ty được tạo thành từ nguồn vốn hiện có của chủ sở hữu.

Tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu nhỏ thì công ty hiện đang có ít các khoản nợ. Nếu tỷ lệ này ngày càng lớn lên theo từng quý nghĩa là doanh nghiệp đang phải đối diện với khó khăn trong việc chi trả các khoản nợ, có nguy cơ phá sản trong tương lai.

1.7. Tỷ suất lợi nhuận

Tỷ suất lợi nhuận được sử dụng rộng rãi trong quá trình phân tích đầu tư. Những tỷ lệ liên quan đến lợi nhuận phổ biến thường gồm tỷ suất lợi nhuận sinh lời, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu. Dựa vào những tỷ suất này chúng ta có thể tính toán được tình hình sinh lời hiện nay của doanh nghiệp và tính ra được lãi ròng của từng cổ đông trong công ty.

Thông qua tỷ suất lợi nhuận dựa trên doanh thu các nhà đầu tư có thể nắm bắt được chính xác số tiền thu được sau khi bỏ vốn đầu tư. Còn với tỷ suất lợi nhuận sinh lời sẽ cho ta biết rõ cụ thể tỷ suất sinh lời trên tài sản là bao nhiêu và tỷ suất sinh lời trên vốn sở hữu là bao nhiêu. Từ đó có thể đưa ra phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh của công ty cho phù hợp với tình hình thực tế.

1.8. Chỉ số rủi ro

Đây là loại chỉ số giúp nhà quản lý có thể nhận biết được rủi ro trong hoạt động kinh doanh dựa vào những biến động về doanh thu. Cụ thể chỉ số này sẽ chỉ ra được rõ thời điểm nào doanh nghiệp thường kiếm được ít lợi nhuận hay lỗ vốn.

Thông qua 4 loại chỉ số là: chỉ số biên lợi nhuận phân phối, mức độ ảnh hưởng từ đòn bẩy kinh doanh, mức độ ảnh hưởng đòn bẩy tài chính (FLE), chỉ số hiệu ứng đòn bẩy tổng thể (TLE) doanh nghiệp có thể có được xác định được chính xác chỉ số rủi ro của mình.

Một doanh nghiệp sử dụng chi phí lợi cố định quá lớn sẽ dễ dẫn tới thua lỗ, hụt vốn, phá sản. Nếu hơn một nửa chi phí được sử dụng là chi phí biến đổi thì doanh nghiệp sẽ có khả năng cao tránh được tình trạng trên.

1.9. Chỉ số tăng trưởng tiềm năng

G (chỉ số tăng trưởng tiềm năng) = RR x ROE

Trong đó:

RR = Tỷ lệ lợi nhuận giữ lại = 1 – (Cổ tức/ Tổng thu nhập ròng)

ROE = Thu nhập ròng/ Tổng vốn chủ sở hữu = (Thu nhập ròng/ Doanh thu) * (Doanh thu/ Tổng tài sản) * (Tổng tài sản/ Vốn cổ phần)

Chỉ số tăng trưởng tiềm năng sẽ đánh giá được cơ bản tình hình hoạt động trong một doanh nghiệp cụ thể là về khía cạnh về tài chính và tăng trưởng của doanh nghiệp. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng các chỉ số này sẽ không mang nhiều ý nghĩa khi chỉ đứng một mình. Để có cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính của một công ty thì cần phải xem xét cùng các chỉ số như:

Chỉ số trung bình ngành: So sánh công ty với trung bình ngành là một dạng so sánh rất phổ biến hiện nay.

So sánh trong bối cảnh chung nền kinh tế: Khi nhìn tổng thể vào chu kỳ của nền kinh tế các nhà phân tích có thể hiểu và dự đoán được tình hình công ty trong các điều kiện thay đổi khác nhau của nền kinh tế, ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái.

So sánh với những kết quả hoạt động trong quá khứ của doanh nghiệp.

chi-so-tai-chinh - 1

>>> Review Khóa Học Phân Tích Báo Cáo Tài Chính Doanh Nghiệp Online Tốt Nhất

2. Các chỉ số tài chính trong chứng khoán

2.1. Chỉ số EPS – Lợi nhuận trên một cổ phiếu

EPS (Earning Per Share) được hiểu là lợi nhuận mà nhà đầu tư có thể thu được trên một cổ phiếu. Đây là chỉ số cho thấy khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp, thể hiện qua thu nhập mà công ty phân bổ trên mỗi cổ phiếu đang lưu hành. Chỉ số EPS càng cao đồng nghĩa với tiềm năng sinh lời của công ty càng lớn.

Công thức tính:

EPS = (Lợi nhuận sau thuế – Lợi tức ưu đãi) / Số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành

Đặc biệt, chỉ số EPS còn được xem là một tiêu chí tương đối quan trọng để nhà đầu tư có thể đánh giá và lựa chọn được những cổ phiếu phù hợp. Thông qua chỉ số này cũng bạn có thể tính được chỉ số P/E và giá trị cổ phiếu.

Chỉ số EPS bao gồm 2 loại:

  • EPS cơ bản: là lợi nhuận cơ bản từ một cổ phiếu trên tổng số cổ phiếu đang được lưu hành
  • EPS pha loãng: bao gồm cả cổ phiếu công ty nắm giữ đến cả trái phiếu chuyển đổi hay cổ phiếu ưu đãi hoặc cổ phiếu phát hành thêm.

Tuy nhiên chỉ số EPS lại chỉ phản ánh kết quả kinh doanh trong 4 quý gần nhất, vì vậy các doanh nghiệp dựa vào đó để lợi dụng những thủ thuật làm tăng chỉ số EPS sao cho nó trở nên hấp dẫn với những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.

Để đánh giá được các biến động và xác định xu hướng tăng trưởng thì cần thời gian báo cáo đủ dài.

Thực tế không phải lúc nào chỉ số EPS cũng tỉ lệ thuận với lợi nhuận ròng. Cụ thể như, công ty A phát hành thêm 10% lượng cổ phiếu để gia tăng vốn, nhưng lợi nhuận tăng trưởng lại cho kết quả nhỏ hơn con số 10% thì chỉ số EPS sẽ giảm, đồng nghĩa với đó là giá cổ phiếu thời điểm ấy cũng có xu hướng giảm theo.

2.2. Chỉ số P/E – Hệ số giá trên thu nhập

Chỉ số P/E (Price to Earning ratio) dùng để đánh giá mối quan hệ của giữa giá của cổ phiếu trên thị trường (Price) và lãi thu được trên mỗi một cổ phiếu (EPS). Cụ thể, chỉ số này biểu hiện, để có được một đồng lợi nhuận từ cổ phiếu thì bạn cần bỏ ra số tiền là bao nhiêu. Do đó, nếu chỉ số P/E thấp thì đồng nghĩa là giá cổ phiếu này rẻ và ngược lại.

Công thức tính:

P/E = Giá cổ phiếu hiện tại (Price)/ Lợi nhuận trên 1 cổ phiếu (EPS)

Chỉ số P/E rất hữu ích cho nhà đầu tư trong việc định giá cổ phiếu. Tuy nhiên,nhà đầu tư cần phải lưu ý 1 điều rằng, chỉ số này tuy dễ tính nhưng cũng rất dễ chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Vì vậy các nhà đầu tư cần phải lưu ý và xem xét thật kỹ các yếu tố ảnh hưởng cũng như khả năng phát triển về công ty hay mức độ lạm phát, chỉ số P/E chung của ngành đó…

2.3. Chỉ số ROE & Chỉ số ROA – Tỷ số lợi nhuận ròng

ROE (Return on Equity): Là chỉ số thể hiện tỷ số lợi nhuận ròng dựa trên vốn chủ sở hữu. Chỉ số ROE dùng để đánh giá khả năng sinh lời từ mỗi đồng vốn chủ sở hữu. Và nó thường được nhà đầu tư sử dụng để so sánh giữa các cổ phiếu trong cùng ngành và quyết định lựa chọn công ty nào.

Công thức tính:

ROE = Lợi nhuận ròng / Vốn chủ sở hữu trung bình của cổ đông

Chỉ số ROE càng cao càng cho thấy việc sử dụng vốn của doanh nghiệp là có hiệu quả. Tuy nhiên để kết luận được có nên đầu tư vào doanh nghiệp đó hay không thông qua chỉ số này thì nhà đầu tư cần phải lưu ý về mức ROE trung bình ngành của doanh nghiệp đó, thời vụ, chu kỳ kinh doanh.

Tuy nhiên trong trường hợp ROE cao thì nó có thể tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao do vốn chủ sở hữu quá nhỏ so với thu nhập ròng. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư cần phân tích và tìm hiểu kỹ hơn về cổ phiếu để tránh đưa ra những quyết định sai lầm.

Chỉ số ROA (Return on Total Assets): thể hiện tỷ suất sinh lời trên tài sản. Chỉ số này thể hiện khả năng sinh lời trên mỗi đồng tài sản hiện có của doanh nghiệp. Tài sản của doanh nghiệp được hình thành dựa trên 2 yếu tố cơ bản là vốn vay và vốn chủ sở hữu. Nếu chỉ số ROA đang ở mức cao thì đồng nghĩa là công ty đó đang có lợi nhuận cao với lượng đầu tư ít.

Công thức tính:

ROA = Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản

Doanh nghiệp có chỉ số ROA cao tức là doanh nghiệp đó sử dụng tài sản hiệu quả và tối ưu được hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Các doanh nghiệp có ROA ở mức cao sẽ được nhà đầu tư ưu tiên quan tâm hơn.

Tuy nhiên, Nhà đầu tư cũng cần phải có một cái nhìn khách quan về doanh nghiệp, lĩnh vực đang hoạt động kinh doanh, hoặc so sánh với ROA trong quá khứ cũng như những đối thủ cùng ngành để có thể đưa ra được quyết định đầu tư hiệu quả nhất.

2.4. Chỉ số P/B – Giá thị trường/Giá trị sổ sách

Chỉ số P/B (Price to Book ratio) được dùng để so sánh giá trị hiện tại của cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường đối với giá trị theo sổ sách của cổ phiếu đó. Hiểu một cách đơn giản là chỉ số này cho chúng ta biết giá của cổ phiếu này đang thấp hay cao hơn so với giá trên sổ sách tại doanh nghiệp đó.Trường hợp giá thị trường của cổ phiếu đang giao dịch ở mức cao hơn giá ghi sổ, thì công ty đó đang có mức thu nhập trên tài sản cao.

Chỉ số này sẽ giúp nhà đầu tư tìm ra được những cổ phiếu đang có định giá thấp và bị thị trường bỏ qua.

Công thức tính:

P/B = Giá cổ phiếu hiện tại / ((Tổng giá trị tài sản – Giá trị tài sản vô hình – Nợ)/ Số lượng cổ phiếu đang lưu hành)

Chỉ số P/B thường có mức độ ổn định cao hơn so với chỉ số EPS, nó có thể định giá được từ hoạt động kinh doanh lời/lỗ của doanh nghiệp. Tuy nhiên chỉ số này lại chỉ tính dựa trên các giá trị tài sản hữu hình mà bỏ qua các giá trị vô hình của doanh nghiệp. Trong thực tế khi chính như giá trị vô hình này lại là động lực gia tăng lợi nhuận ròng của công ty, giá cổ phiếu cũng sẽ tăng từ đó.

Hơn nữa, yếu tố giá sổ sách thường được cập nhật chậm mà không có tính linh hoạt chính xác tuyệt đối tại những thời điểm giao dịch nên nếu chỉ dựa vào mỗi chỉ số P/B nhà đầu tư cũng chưa thể đưa ra quyết định đầu tư ngay được.

Một số chỉ số nhà đầu tư có thể tham khảo thêm như:

– Hệ số thanh khoản: Dùng để đo lường khả năng chi trả các khoản nợ trong ngắn hạn của doanh nghiệp.

– Chỉ số nợ D/E: Chỉ số này cho nhà đầu tư biết tài sản của công ty được hình thành trên nợ hay vốn chủ sở hữu.
– Cổ tức: Một phần lợi nhuận ròng mà công ty dùng để chi trả cho các cổ đông, được chi trả bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu.

– Đáy cổ phiếu: Để xác định được những cổ phiếu nào đang giảm nhiều nhất (hoặc tăng cùng thị trường) trong từng thời điểm nhất định.

3. Các chỉ số tài chính trong ngân hàng

3.1. Chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng huy động vốn

Tốc độ tăng trưởng huy động vốn (%) = (Số dư vốn huy động kỳ này/ Số dư vốn huy động kỳ trước – 1) x 100

Ý nghĩa: Nguồn vốn huy động tăng trưởng càng cao chứng tỏ trong kỳ ngân hàng đã áp dụng nhiều biện pháp gia tăng năng lực huy động vốn, hay do uy tín của ngân hàng được nâng cao trên thị trường

3.2. Chỉ tiêu phản ánh tình hình tín dụng

Hoạt động tín dụng là hoạt động mang lại nguồn thu nhập trong hiện tại và tương lai của ngân hàng, là chỉ tiêu quan trọng và thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Tổng tài sản

Tốc độ tăng trưởng tín dụng (%) = (Dư nợ cho vay kỳ này/ Dư nợ cho vay kỳ trước – 1) x 100

Tỷ lệ dư nợ tín dụng so với nguồn vốn huy động = (Dư nợ tín dụng/Nguồn vốn huy động) x 100

Ý nghĩa: Tỷ lệ dư nợ tín dụng so với nguồn vốn huy động càng cao cho thấy ngân hàng có rủi ro thanh khoản càng lớn. Tuy nhiên ngoài rủi ro thanh khoản, cần đánh giá thêm các rủi ro kỳ hạn hạn, chất lượng tín dụng,…

Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn = [Dư nợ trung dài hạn – (Nguồn vốn trung dài hạn – Dữ trữ bắt buộc nguồn trung dài hạn )] / Nguồn vốn ngắn hạn

Ý nghĩa: Nếu tỷ lệ này cao có thể đem lại nguồn thu nhập lớn cho ngân hàng do chi phí trả lãi cho các khoản vốn này là thấp, nhưng điều này chưa hẳn đã tốt vì ngân hàng sẽ khó đảm bảo khả năng thanh toán của mình cho những khoản nợ đến hạn hay thanh toán theo yêu cầu của khách hàng

NIM (%) = (Thu nhập lãi thuần / Tài sản sinh lãi) x 100

Ý nghĩa: Hệ số NIM (Net Interest Margin) là sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng, cho biết hiện các ngân hàng đang thực sự hưởng chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng là bao nhiêu. Hệ số này rất quan trọng khi nhà đầu tư muốn đầu tư vào một cổ phiếu ngân hàng nào đó. Hệ số NIM càng cao thì càng thể hiện khả năng sinh lời của ngân hàng đó càng tốt.

Casa (%) = [(Tiền gửi không kỳ hạn + tiền ký quỹ)/ Tổng tiền gửi khách hàng] x 100

Ý nghĩa: Chỉ số Casa là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng. Chỉ số Casa cao nghĩa là chi phí vốn đầu vào càng thấp. Khi đánh giá chỉ số Casa của một ngân hàng cần phải so sánh với các ngân hàng khác và trung bình ngành. Chỉ số Casa cao sẽ giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ NIM, có thêm điều kiện cạnh tranh lãi suất cho vay trên thị trường. Mặt khác, chỉ số Casa càng cao phản ánh nền tảng phát triển của các các dịch vụ của ngân hàng, vì nhiều sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng khác gắn với tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng.

Tỷ lệ nợ quá hạn (%) = (Nợ quá hạn/ Tổng dư nợ) x 100

Ý nghĩa: Việc xác định tỷ lệ nợ quá hạn là yếu tố rất quan trọng trong việc đánh giá chất lượng tín dụng của ngân hàng, nhằm phản ánh những khoản cho vay có khả năng hoàn trả kém. Nếu tỷ lệ này thấp chứng tỏ tình hình kinh doanh của đơn vị là tốt, hầu hết các khoản tín dụng của doanh nghiệp đều sinh lãi và có khả năng thu hồi. Ngược lại, nếu tỷ lệ này cao thì ngân hàng cần có những biện pháp kiểm soát nợ quá hạn, hạn chế những rủi ro có thể mất vốn do những khoản nợ quá hạn gây ra

Tỷ lệ dự phòng rủi ro (%) = (Quỹ dự phòng rủi ro/ Tổng dư nợ) x 100

Ý nghĩa: Trích lập DPRR tín dụng là hoạt động thường niên, để đánh giá tỷ lệ DPRR của ngân hàng như thế nào, nhằm dự báo tỷ lệ hợp lý cho kỳ tiếp theo.

Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên đây của Phân tích báo cáo tài chính đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về các chỉ số tài chính doanh nghiệp.

>> Xem thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *