Thứ Năm, Tháng Tư 25
Shadow

Cách Đọc Báo Cáo Tài Chính Cho Người Mới Bắt Đầu

Cách Đọc Báo Cáo Tài Chính Cho Người Mới Bắt Đầu

Tình hình tài chính và sức khỏe của Doanh nghiệp được thể hiện rõ ở bộ Báo cáo tài chính. Bài viết sau Phân tích báo cáo tài chính sẽ chia sẻ đến bạn đọc Cách đọc báo cáo tài chính cho người mới bắt đầu. Hiểu rõ các con số trong đó sẽ giúp bạn có cái nhìn khái quát về Doanh nghiệp, tự tin để đầu tư hơn.

1. Báo cáo tài chính gồm những gì?

✅Các tờ khai quyết toán thuế
  • Tờ khai quyết toán thuế TNDN.
  • Tờ khai quyết toán thuế TNCN.
✅Bộ báo cáo tài chính
  • Bảng cân đối kế toán
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
  • Bảng cân đối tài khoản
✅Phụ lục đi kèm
  • Thuyết minh báo cáo tài chính
  • Tình hình thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước
✅Nội dung báo cáo tài chính Trong bản báo cáo tài chính, cần cung cấp những thông tin cụ thể về:

  • Tài sản
  • Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu
  • Doanh thu, thu nhập khác, chi phí kinh doanh
  • Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh
  • Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước
  • Tài sản khác có liên quan đến đơn vị
  • Luồng tiền ra vào, luân chuyển như thế nào trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Ngoài ra, trong bản Thuyết minh báo cáo tài chính, doanh nghiệp còn phải cung cấp thêm thông tin về: Chế độ kế toán áp dụng, hình thức kế toán, nguyên tắc ghi nhận, phương pháp tính giá, hạch toán hàng tồn kho, phương pháp trích khấu hao tài sản cố định…

2. Đọc báo cáo tài chính có ý nghĩa gì?

Báo cáo tài chính được ví như một thư ký thống kê và phản ánh lại tất cả các hoạt động của doanh nghiệp, liên quan đến ngân sách của doanh nghiệp. Bởi vậy, báo cáo tài chính không chỉ quan trọng đối với doanh nghiệp mà còn là cơ sở của các cơ quan nhà nước và các đối tác. Cụ thể:

– Đối với chủ doanh nghiệp: Đọc báo cáo tài chính sẽ nắm được tình hình tài chính của đơn vị, biết được điểm mạnh, điểm yếu, trong tình hình tài chính để đưa ra biện pháp khắc phục, quản lý tài chính doanh nghiệp tối ưu hơn.

– Đối với ngân hàng: Ngân hàng đọc báo cáo tài chính để hiểu tình hình “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp, nắm được cơ cấu vốn, doanh thu, tỷ suất lợi nhuận để làm căn cứ cho vay.

– Đối với nhà đầu tư: Nhà đầu tư tìm hiểu doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính, xác định tỷ suất sinh lời, mức độ rủi ro để lựa chọn và quyết định đầu tư.

– Đối với các cơ quan chức năng: Đọc báo cáo tài chính sẽ giúp doanh nghiệp phát hiện rủi ro tiềm ẩn, ngăn chặn sai phạm, đưa ra cách quản lý tốt doanh nghiệp.

3. Tầm quan trọng của kỹ năng đọc báo cáo tài chính

Khi hiểu và phân tích được từ cách đọc báo cáo tài chính, các doanh nghiệp và đối tượng quan tâm có thể rút ngắn được thời gian đánh giá, biết cách tập trung vào những chỉ tiêu trọng yếu, nhằm phục vụ cho việc quản lý, đưa ra các phương án kinh doanh tối ưu nhất, góp phần hạn chế rủi ro và gia tăng lợi nhuận.

4. Đọc báo cáo tài chính ở đâu?

Các doanh nghiệp đều phải nộp báo cáo tài chính đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo quy định mọi công ty đại chúng đều có nghĩa vụ công bố báo cáo tài chính theo định kỳ hàng năm.
Để tra cứu và xem báo cáo tài chính của các công ty đại chúng, bạn có thể truy cập hệ thống công bố thông tin các công ty đại chúng của Ủy ban chứng khoán nhà nước.

5. Hướng dẫn đọc báo cáo tài chính cho người mới bắt đầu

#Cách đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp

– Bước 1: Đánh giá của kiểm toán viên

Đây là phần quan trọng đầu tiên khi đọc BCTC mà bạn cần phải chú ý đến. Bởi các số liệu được ghi trên BCTC sẽ không có ý nghĩa nếu như kiểm toán viên chưa chắc chắn về mức độ trung thực của nó.

Sẽ có 4 mức độ đánh giá của kiểm toán viên để xác định tính trung thực của 1 BCTC, đó là:

  • Chấp nhận toàn phần
  • Ngoại trừ
  • Không chấp nhận
  • Từ chối.

Mức độ tin cậy của 1 BCTC sẽ giảm dần tương ứng theo 4 ý kiến trên của kiểm toán viên.

Nếu kiểm toán viên đưa ra ý kiến là Chấp nhận toàn phần thì có nghĩa BCTC này có tính trung thực tốt và bạn có thể tin tưởng sử dụng nó cho việc phân tích doanh nghiệp. Trường hợp BCTC có nhiều sai sót thì kiểm toán viên sẽ đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh lại. Nếu kiểm toán viên đưa ra ý kiến từ chối thì không nên tin tưởng BCTC của DN đó.

– Bước 2: Đọc hiểu Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán là bảng số liệu quan trọng đầu tiên của một doanh nghiệp, phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp đó tại một thời điểm được xác định.

Bảng cân đối kế toán gồm 2 phần: Tài sản và nguồn vốn. Dưới đây là phương trình cân bằng:

Tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

Trong đó:

• Tài sản là những thứ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, chúng có khả năng tạo ra lợi ích về mặt kinh tế cho doanh nghiệp đó. Tài sản có 2 loại: tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn.

• Tài sản ngắn hạn: là loại tài sản dễ dàng chuyển đổi được sang tiền mặt trong vòng dưới 1 năm hoặc trong 1 chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Tài sản ngắn hạn bao gồm: tiền và tài sản tương đương tiền; các khoản phải thu và hàng tồn kho.

• Tài sản dài hạn: là loại tài sản có thời gian sử dụng trên 1 năm, trong đó tài sản cố định là khoản mục quan trọng trong tài sản dài hạn. Tài sản cố định gồm: tài sản hữu hình và tài sản vô hình.

• Nợ phải trả: Nợ phải trả cũng như Vốn chủ sở hữu là những khoản nằm trong Nguồn vốn, có ý nghĩa phản ánh cho nguồn hình thành nên tài sản doanh nghiệp. Nợ phải trả thể hiện cho nghĩa vụ về tài chính của doanh nghiệp đối với chủ nợ, nhà cung cấp, nhà nước, người lao động,…Nợ phải trả gồm có nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.

• Vốn chủ sở hữu: Bao gồm vốn góp chủ sở hữu, lợi nhuận chưa phân phối và các loại quỹ như Quỹ đầu tư phát triển,…Khoản mục này thể hiện tổng giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp.

Như vậy để cân bằng Bảng cân đối kế toán thì mức chênh lệch giữa Tài sản và Nợ phải trả của doanh nghiệp chính là Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đó.

Để đảm bảo cho sự cân đối tài chính thì với tài sản dài hạn sẽ cần được tài trợ tương ứng bởi một nguồn vốn dài hạn. Nếu điều này không được đảm bảo thì doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro lớn cũng như bị áp lực về khả năng thanh toán nợ.

Nhà đầu tư cần nhận biết được rủi ro này sớm để tránh bằng cách quan sát xu hướng biến động của Vốn lưu động thuần theo công thức sau:

Vốn lưu động thuần = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn

Nếu vốn lưu động thuần có xu hướng giảm dần thậm chí chuyển sang âm lớn thì có nghĩa sự mất cân đối tài chính đang xuất hiện ngày càng rõ rệt. Điều đó cho thấy công ty đã sử dụng khoản nợ ngắn hạn để tài trợ cho khoản tài sản dài hạn.

– Bước 3: Đọc hiểu Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Báo cáo kết quả kinh doanh là báo cáo tổng kết lại doanh thu và chi phí hoạt động của doanh nghiệp trong kỳ (theo quý hoặc theo năm tài chính).

Công thức chung

Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí

Báo cáo kết quả kinh doanh sẽ chia hoạt động của doanh nghiệp theo 3 mảng chính, đó là: hoạt động kinh doanh chính (hay hoạt động cốt lõi); Hoạt động tài chính và cuối cùng là Hoạt động khác.

• Hoạt động kinh doanh chính: Bao gồm: doanh thu thuần về bán sản phẩm và dịch vụ; Giá vốn hàng bán; Lợi nhuận gộp; Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Từ hoạt động kinh doanh chính, bạn có thể tính toán chỉ số Biên lợi nhuận gộp theo công thức:

Biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần về bán sản phẩm và dịch vụ

Từ chỉ số này, bạn sẽ nắm được tỷ suất lợi nhuận thu được từ bán sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp là bao nhiêu? Nếu chỉ số đó được doanh nghiệp duy trì ổn định với mức cao trong dài hạn thì đó là doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh tốt.

• Hoạt động tài chính: Bao gồm: Doanh thu tài chính và chi phí tài chính. Trong chi phí tài chính bạn cần chú ý đến chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá (nếu có). Đây sẽ là 2 khoản để xác định lợi nhuận thuần, theo công thức sau:

Lợi nhuận thuần = Lợi nhuận gộp + doanh thu tài chính – chi phí tài chính – chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp

• Hoạt động khác: Là những hoạt động chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm: thu nhập khác; chi phí khác; lợi nhuận khác.

Từ những nguồn trên, công thức lợi nhuận trước thuế như sau:

Lợi nhuận trước thuế = Lợi nhuận thuần + Lợi nhuận khác

Công thức tính Lợi nhuận sau thuế:

Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế – Thuế thu nhập doanh nghiệp

Đây cũng chính là khoản lợi nhuận thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và các cổ đông.

Các bước đọc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

  • Tách riêng các khoản doanh thu và chi phí của doanh nghiệp.
  • Xác định tỷ trọng của từng khoản doanh thu trong Tổng doanh thu, và từng khoản chi phí trong Tổng chi phí, sau đó xem xét sự thay đổi của chúng so với cùng kỳ.
  • Quan sát và đánh giá sự thay đổi đó.

– Bước 4: Đọc hiểu Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ cho biết doanh nghiệp thực sự kiếm được bao nhiêu tiền cũng như tiêu bao nhiêu tiền trong thời gian nhất định. Đây là bước quan trọng không thể bỏ qua để tránh được rủi ro khi các báo cáo có lợi nhuận tốt đẹp nhưng chưa nắm được tính bền vững của những khoản lợi nhuận này.

Cách đọc Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được trình bày thành 3 phần chính tương ứng với 3 dòng tiền đó là: Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, Dòng tiền từ hoạt động đầu tư và cuối cùng là Dòng tiền từ hoạt động tài chính.

+ Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: trong quá trình doanh nghiệp thanh toán cho khách hàng, nhà cung cấp, người lao động, nộp thuế, trả lãi vay,…sẽ có phát sinh dòng tiền gọi là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Đó là lượng tiền mặt do doanh nghiệp làm ra, không phải tiền từ huy động vốn hay vay nợ.

+ Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: là dòng tiền bao gồm tiền vào và ra liên quan đến hoạt động đầu tư, hoạt động mua sắm, hay thanh lý,…các tài sản cố định và tài sản dài hạn của doanh nghiệp.

+ Dòng tiền từ hoạt động tài chính: là dòng tiền liên quan đến việc tăng hoặc giảm vốn chủ sở hữu và hoạt động vay nợ của doanh nghiệp.

Trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền ra được thể hiện dưới dạng số âm và kèm theo từ “tiền chi để..” và “…đã trả”. Còn dòng tiền vào được thể hiện dưới dạng số dương và kèm các từ “tiền thu từ.” và “nhận được”.

Những điều cần lưu ý khi đọc Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:

  • Ngoại trừ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, thì 2 nhóm còn lại có bản chất là tăng ở kỳ hiện tại và giảm ở kỳ tương lai hoặc đảo ngược lại.
  • Trọng tâm cần nghiên cứu là Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh, bởi nó phản ánh cho khả năng tạo ra tiền trong thực tế của một doanh nghiệp.
  • Tiền và các khoản tương đương tiền vào cuối kỳ có thể sẽ giảm so với kỳ trước. Nhưng đây chưa hẳn là xấu bởi doanh nghiệp đã thanh toán các khoản vay của mình từ trước đó.
  • Ngoài ra, nếu thấy doanh nghiệp có hoạt động chi trả cổ tức bằng tiền ổn định và đều đặn hàng năm thì có thể đánh giá là doanh nghiệp có dòng tiền và lợi nhuận lành mạnh cũng như có tính trung thực cao.

– Bước 5: Đọc hiểu Thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh BCTC sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về các số liệu đã được trình bày tại Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng như các thông tin cần thiết khác dựa theo những chuẩn mực kế toán cụ thể.

Những nội dung thuộc thuyết minh Báo cáo tài chính:

  • Đặc điểm của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
  • Kỳ kế toán và đơn vị tiền tệ được sử dụng trong kế toán
  • Chuẩn mực kế toán và những chế độ kế toán áp dụng
  • Các chính sách kế toán được áp dụng
  • Những thông tin bổ sung cho các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Cách đọc Thuyết minh báo cáo tài chính:

Thuyết minh báo cáo tài chính thành 2 phần: Tìm hiểu về doanh nghiệp và Thuyết minh về các khoản mục trên báo cáo tài chính.

+ Tìm hiểu về doanh nghiệp

Các nội dung cần tìm hiểu: đặc điểm của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, kỳ kế toán, chuẩn mực và các chính sách kế toán được áp dụng tại doanh nghiệp. Ở phần này sẽ có câu trả lời cho các câu hỏi:

  • Ngành nghề mà doanh nghiệp đang hoạt động là gì?
  • Doanh nghiệp bắt đầu hoạt động từ khi nào?
  • Các chính sách kế toán và chuẩn mực kế toán được áp dụng tại doanh nghiệp như thế nào?
  • Các chính sách kế toán và chuẩn mực kế toán được áp dụng tại doanh nghiệp như thế nào?

+ Thuyết minh về các khoản mục trên BCTC: phần này sẽ thuyết minh những khoản mục đã ghi chú lại ở các bước trên để tìm ra lý do có sự thay đổi lớn của các khoản mục đó giữa các kỳ.

#Cách đọc báo cáo tài chính chứng khoán

– Đọc bảng cân đối kế toán

Khi hiểu rõ về kết cấu của bảng cân đối kế toán khi đọc, bạn sẽ hiểu được ý nghĩa của những con số. Bảng cân đối kế toán là sự cân bằng giữa tổng tài sản và nguồn vốn.

Tổng tài sản (TTS) = Tài sản ngắn hạn (TSNH) + Tài sản dài hạn (TSDH)

Nguồn vốn (NV) = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

=> Tổng tài sản của doanh nghiệp = Tổng nguồn vốn của doanh nghiệp

– Đọc báo cáo kết quả kinh doanh

Nội dung của bảng báo cáo kết quả kinh doanh chứng khoán của một công ty là sự phản ánh tổng quát tình hình, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ấy trong khoảng thời gian nhất định.

Nó cho biết khả năng sinh lời và thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong báo cáo cần có các thông tin về doanh thu, chi phí và lợi nhuận mà doanh nghiệp đó tạo ra trong một khoảng thời gian hoạt động kinh doanh.

Nguyên tắc của báo cáo kết quả kinh doanh là: Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí

Một công ty có doanh thu cao thì chưa đủ cơ sở để khẳng định lợi nhuận cao, vì nó còn phụ thuộc vào các chi phí mà công ty phát sinh trong quá trình kinh doanh.

– Đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ ghi nhận các dòng tiền mặt chi ra và thu vào của công ty trong một khoảng thời gian nhất định.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong chứng khoán giúp nhà đầu tư đánh giá được sự thay đổi trong tài sản thuần và phác hoạ cơ cấu tài chính của doanh nghiệp.

Ước tính được khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền, khả năng thanh toán, khả năng tạo ra dòng tiền trong quá trình hoạt động kinh doanh của công ty.

Nguyên tắc trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ là:

Tiền có đầu kỳ (TCĐK) + Tiền thu trong kỳ (TTTK) = Tiền chi trong kỳ (TCTK) + Tiền tồn cuối kỳ (TTCK)

Hướng dẫn đọc báo cáo tài chính cho người mới bắt đầu

#Cách đọc báo cáo tài chính của ngân hàng

– Bảng cân đối kế toán ngân hàng

Để đọc hiểu bảng cân đối kế toán ngân hàng đầu tiên cần chú ý đến khoản mục tài sản của ngân hàng.

Khoản này bao gồm các loại tiền mặt tại các quỹ, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng và tiền gửi tại ngân hàng nhà nước.

Đây cũng là khoản mục có tính thanh khoản cao nhất trong toàn bộ tài sản của ngân hàng, được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu về quản lý của ngân hàng nhà nước về yêu cầu vay vốn rút tiền mặt, các yêu cầu khác về chi trả hàng ngày của ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên khả năng sinh lời của tiền mặt rất thấp, hầu như không đem lại lợi nhuận cho ngân hàng thương mại, do đó thường tiền mặt chỉ được duy trì mới mức tối thiểu 2% trên tổng toàn bộ tài sản của ngân hàng.

– Báo cáo kết quả kinh doanh ngân hàng

Đối với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng thì chúng ta cần chú ý đến các chỉ tiêu chính sau đây:

• Thu nhập thuần từ lãi: là chỉ tiêu phản ánh tổng số thu được từ lãi và các khoản thu nhập tương tự của ngân hàng sau khi trừ đi chi phí trả lãi trong kỳ nghiên cứu.

• Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ: là khoản thu nhập từ việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng đã trừ đi các khoản chi để cung cấp các dịch vụ đó trong kỳ báo cáo.

• Thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.

• Thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán.

• Thu nhập thuần từ các hoạt động kinh doanh khác.

• Chi phí dự phòng: là khoản tiền chi cho các công tác phòng ngừa rủi ro từ hoạt động kinh doanh tiền tệ của ngân hàng trong kỳ báo cáo.

• Lợi nhuận trước thuế: phản ánh toàn bộ phần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo trước khi ngân hàng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

• Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp: là chỉ tiêu thể hiện số thuế thu nhập mà ngân hàng cần nộp được xác định dựa trên phần thu nhập chịu thuế tính trong kỳ báo cáo.

• Lợi nhuận sau thuế: là phần lợi nhuận thuần từ hoạt động của ngân hàng sau khi đã trừ đi khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ báo cáo.

– Cách đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ ngân hàng

+ Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh: thể hiện toàn bộ dòng tiền ngân hàng thu vào và chi ra có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng như thu, chi từ hoạt động đi vay, cho vay, nhận gửi,…

+ Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư: thể hiện dòng tiền ngân hàng thu vào, chi ra có liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư của ngân hàng như: đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định, đầu tư chứng khoán, đầu tư góp vốn liên doanh.

+ Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính: thể hiện dòng tiền thu vào và chi ra có liên quan trực tiếp đến hoạt động tài chính của ngân hàng như: nghiệp vụ tăng, giảm vốn kinh doanh, vốn góp của ngân hàng, bao gồm: chủ đơn vị vay vốn, góp vốn, phát hành cổ phiếu, trái phiếu, thanh toán các khoản nợ, thanh toán trái phiếu,…

– Cách đọc thuyết minh báo cáo tài chính ngân hàng

+ Báo cáo tình hình tăng giảm tài sản cố định: thông qua nội dung này ta sẽ nắm được tình hình biến động của từ loại tài sản cố định trong kỳ.

+ Báo cáo tình hình tăng, giảm nguồn vốn và sử dụng vốn: cho thấy sự biến động về quy mô của nguồn vốn mà ngân hàng huy động được và sử dụng trong kỳ.

+ Báo cáo tài sản và công nợ của ngân hàng theo thời gian đáo hạn: thể hiện chi tiết về từng loại tài sản và công nợ của ngân hàng theo thời gian đáo hạn để có thể ứng phó kịp thời trước những tình huống xảy ra trong thực tiễn.

6. Đọc báo cáo tài chính cần lưu ý những gì?

– Đầu tư chú ý đến hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu có dấu hiệu tăng lên. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đó đang sử dụng tiền vay hơn cả những gì mà doanh nghiệp đang có. Nếu tỷ lệ lớn hơn 100% thì là tín hiệu đã vào mức báo động. Nếu hệ số nhỏ hơn 5 cũng cần suy xét thêm về năng lực của doanh nghiệp.

– Thứ hai, doanh thu giảm liên tục qua các năm. Nếu trong vòng 3 năm liên tiếp mà doanh thu vẫn tụt liên tục chứng tỏ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không được ổn định.

– Thứ ba, các chi phí khác trên bảng cân đối kế toán lớn lên bất thường. Nhà đầu tư nên tìm hiểu lý do xuất hiện và dự đoán liệu nó có còn xuất hiện trong tương lai hay không.

– Thứ tư, bạn cần lưu ý là dù biết cách đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp, thì bạn cũng không thể đảm bảo dòng tiền ổn định như giấy tờ. Nếu xảy ra tình trạng thiếu tiền xảy ra thì có nghĩa rằng doanh nghiệp ghi nhận không đúng tình hình kinh doanh thực tế của mình.

– Thứ năm, các khoản thu và hàng tồn kho liên tục tăng lên. Đây là những khoản tiền không tạo ra lợi nhuận cho công ty cũng như là nhà đầu tư.

– Thứ sáu, liên tục phát hành cổ phiếu.

Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên đây của Phân tích báo cáo tài chính đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về cách đọc báo cáo tài chính. 

>> Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *