Phân tích khả năng thanh toán thông qua báo cáo tài chính Doanh nghiệp sẽ biết được doanh nghiệp đó có đủ năng lực tài chính (tiền, tương đương tiền, các loại tài sản…) để bảo đảm thanh toán các khoản nợ cho các cá nhân, tổ chức có quan hệ với doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh hay không.
Bài viết sau Phân tích báo cáo tài chính sẽ chia sẻ chi tiết đến bạn đọc.
1. Phân tích khả năng thanh toán là gì?
Phân tích khả năng thanh toán là việc đánh giá khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền và khả năng tạo tiền nhằm thực hiện nghĩa vụ đối với các chủ nợ khi đến hạn. Phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp (DN) phải được xem xét đầy đủ, toàn diện về các khả năng: Thanh toán tổng quát, thanh toán ngắn hạn, thanh toán dài hạn, thanh toán theo thời gian.
Phân tích khả năng thanh toán gồm: Phân tích khả năng thanh toán ngắn hạn và Phân tích khả năng thanh toán dài hạn. Theo đó, phân tích khả năng thanh toán ngắn hạn là việc đánh giá khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ có thời hạn trả trong vòng một năm của DN.
2. Các chỉ số đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp
Một doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại nếu nó đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán đến hạn, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn.
Nhóm chỉ số dùng để đánh giá khả năng thanh toán của một doanh nghiệp gồm có 6 chỉ số chính. Dựa vào kết quả của các chỉ số, ta có thể nhìn ra năng lực tài chính của doanh nghiệp đó có đang tốt hay không.
a. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát
Để đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp, chúng ta cần chú ý đến hệ số khả năng thanh toán tổng quát. Hay còn gọi là hệ số khả năng thanh toán hiện hành. Chỉ số này phản ánh tổng quát nhất năng lực thanh toán của doanh nghiệp trong ngắn và dài hạn.
Công thức tính:
Hệ số khả năng thanh toán tổng quát = Tổng tài sản/Nợ phải trả
Hệ số khả năng thanh toán tổng quát (Htq) thể hiện:
– Htq >2: Phản ánh khả năng thanh toán của doanh nghiệp rất tốt, tuy nhiên hiệu quả sử dụng vốn có thể không cao và đòn bẩy tài chính thấp. Doanh nghiệp sẽ khó có bước tăng trưởng vượt bậc.
– 1≤ Htq <2: Phản ánh về cơ bản, với lượng tổng tài sản hiện có, doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng được các khoản nợ tới hạn.
– 0 ≤ Htq<1: Thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp thấp, khi chỉ số càng tiến dần về 0, doanh nghiệp sẽ mất dần khả năng thanh toán, việc phá sản có thể xảy ra nếu doanh nghiệp không có giải pháp thực sự phù hợp.
b. Hệ số khả năng thanh toán hiện thời
Hay còn gọi là hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn, Tỷ lệ thanh khoản hiện thời, Hệ số thanh toán hiện hành… .
Công thức tính:
Hệ số khả năng thanh toán hiện thời = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn
Hệ số này cần được đánh giá dựa vào tỷ số trung bình của các doanh nghiệp trong cùng ngành. Ngoài ra, căn cứ quan trọng để đánh giá là so sánh với hệ số khả năng thanh toán hiện thời ở các thời điểm trước đó của doanh nghiệp.
Hệ số khả năng thanh toán hiện thời (Hht) thể hiện:
– Hht thấp, đặc biệt <1: Thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi Hht càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
– Hht cao (>1): Cho thấy doanh nghiệp có khả năng cao trong việc sẵn sàng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Tỷ số càng cao càng đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp, tính thanh khoản ở mức cao. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tỷ số quá cao chưa chắc phản ánh khả năng thanh khoản của doanh nghiệp là tốt. Bởi có thể nguồn tài chính không được sử dụng hợp lý, hay hàng tồn kho quá lớn dẫn đến việc khi có biến động trên thị trường, lượng hàng tồn kho không thể bán ra để chuyển hoá thành tiền.
»»» Review Khóa Học Phân Tích Báo Cáo Tài Chính Tốt Nhất
c. Hệ số khả năng thanh toán nhanh
Để đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp, các nhà quản trị cũng cần biết được hệ số thanh toán nhanh của doanh nghiệp đó. Hệ số này còn được gọi là tỷ lệ thanh toán nhanh… . Trong tỷ số này, hàng tồn kho sẽ bị loại bỏ, bởi lẽ trong tài sản lưu động, hàng tồn kho được coi là loại tài sản có tính thanh khoản thấp hơn. Tỷ số thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp mà không cần thực hiện thanh lý gấp hàng tồn kho.
Công thức tính:
Hệ số thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn
Tỷ số thanh khoản nhanh (Hnh) thể hiện:
– Hnh < 0,5: Phản ánh doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chi trả, tính thanh khoản thấp.
– 0,5<Hnh<1: Phản ánh doanh nghiệp có khả năng thanh toán tốt, tính thanh khoản cao.
d. Hệ số khả năng thanh toán tức thời
Hay còn gọi là tỷ lệ thanh toán bằng tiền, chỉ số thanh toán tiền mặt,… Tỷ số này nhằm đánh giá sát hơn tình hình thanh toán của doanh nghiệp
Công thức tính:
Tỷ số khả năng thanh toán tức thời = (Tiền + các khoản tương đương tiền) / Nợ ngắn hạn
Tiền và các khoản tương đương tiền ở đây bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển, các khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn và các khoản đầu tư ngắn hạn khác có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền trong thời hạn 3 tháng mà không gặp rủi ro lớn.
Hệ số này đặc biệt hữu ích khi đánh giá tính thanh khoản của một doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp khủng hoảng (khi mà hàng tồn kho không tiêu thụ được, các khoản phải thu khó thu hồi).
Tuy nhiên, trong nền kinh tế ổn định, dùng tỷ số khả năng thanh toán tức thời đánh giá tính thanh khoản của một doanh nghiệp có thể xảy ra sai sót. Bởi lẽ, một doanh nghiệp có một lượng lớn nguồn tài chính không được sử dụng đồng nghĩa do doanh nghiệp đó sử dụng không hiệu quả nguồn vốn.
e. Hệ số khả năng thanh toán lãi vay
Hay còn gọi là Tỷ lệ thanh toán lãi vay hay Hệ số thanh toán lãi nợ vay. Hệ số phản ánh khả năng thanh toán lãi tiền vay của doanh nghiệp cũng như mức độ rủi ro có thể gặp phải của các chủ nợ.
Công thức:
Hệ số khả năng thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước lãi vay và thuế / Lãi vay phải trả trong kỳ
Hệ số khả năng thanh toán lãi vay là một trong những chỉ tiêu mà bên cho vay (ngân hàng) rất quan tâm khi thẩm định vay vốn của khách hàng. Do đó, chỉ số này ảnh hưởng rất lớn đến xếp hạng tín nhiệm và lãi suất vay vốn của doanh nghiệp. Việc đảm bảo trả lãi các khoản vay đúng hạn cũng thể hiện hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tốt và ngược lại.
f. Hệ số khả năng chi trả ngắn hạn
Hay còn gọi là hệ số khả năng chi trả bằng tiền, hệ số tạo tiền,…
Công thức:
Hệ số khả năng chi trả bằng tiền = Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh / Nợ ngắn hạn bình quân
Hệ số khả năng chi trả ngắn hạn phản ánh khả năng thanh toán của doanh nghiệp ở trạng thái động, do dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh được tạo ra trong kỳ mà không phải số dư tại một thời điểm.
Hệ số này sẽ giúp các nhà quản trị đánh giá khả năng hoàn trả nợ vay đến hạn từ bản thân hoạt động kinh doanh mà không có thêm các nguồn tài trợ khác của doanh nghiệp.
Trên đây là những kiến thức về phân tích tình hình thanh toán của doanh nghiệp. Hy vọng hữu ích với bạn đọc.
>> Xem thêm: